Lịch sử giày thể thao đã có từ rất lâu rồi. Nhưng văn hóa sneakerhead – những kẻ cuồng giày – thì có lẽ chỉ mới bắt đầu vào giữa thập niên 1980, khi Michael Jordan bắt tay cùng Nike ra mắt mẫu giày thể thao Air Jordan 1.
Hơn ba thập kỷ sau khi đôi Jordan 1 lần đầu tiên xuất hiện, nó vẫn là một trong những dòng giày thể thao bán chạy nhất của Nike. Với nhiều mẫu màu mới, kiểu dáng mới, dòng Air Jordan luôn là tâm điểm được bàn tán trong cộng đồng yêu giày thể thao nói chung và hâm mộ Michael Jordan nói riêng.
1: Air Jordan 1, đôi giày khai sinh khái niệm sneakerhead
Đôi giày Air Jordan 1 ra đời vào năm 1984. Thực chất, đây là một đôi giày được Nike thiết kế riêng cho Michael Jordan để anh sử dụng trên sân bóng.
Còn phiên bản được bán rộng rãi ra thị trường thì ra mắt năm 1985. Đây cũng là mẫu Air Jordan duy nhất được trang trí với logo Swoosh của Nike. Tất cả những mẫu Air Jordan sau này đều không có logo ấy.
5000: Mức phạt ở đô-la Mỹ cho từng trận đấu của Michael Jordan năm 1984
Ngay khi vừa xuất hiện, đôi Air Jordan 1 đã gây “sóng gió”.
Theo luật của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ (NBA), các tuyển thủ có thể sử dụng bất kỳ đôi giày nào trên sân bóng, miễn sao là chúng có cùng màu với đồng phục.
Năm 1984, Michael Jordan là thành viên của Chicago Bulls. Ở sân nhà, đội này mặc đồng phục đỏ, viền trắng và đen. Đấu sân khách, đội mặc đồ trắng, viền đỏ và đen. Giày thì màu trắng có viền đỏ.
Tuy nhiên, đôi Air Jordan 1 lại là giày màu đen, có logo Nike màu đỏ và đế trắng. Combo màu này vi phạm luật của NBA, vì không đồng nhất với các thành viên khác. Hiệp hội NBA đã phạt anh chàng 5000 đô-la Mỹ cho mỗi trận đấu mà anh mang đôi giày này.
Ngay lập tức, Nike nhận ra cơ hội làm tên tuổi. Hãng mau chóng thiết kế các mẫu giày khác hợp luật cho Michael Jordan. Nhưng Nike cũng vui vẻ bỏ ra số tiền 5000 đô-la ấy để bồi thường cho Michael Jordan, với điều kiện họ có thể khai thác thông tin này trên quảng cáo.
2: Air Jordan 2, đôi giày thể thao “Made in Italy”
Tiếp nối thành công của mẫu Air Jordan 1, Nike ra mắt phiên bản 2 năm 1986.
Lúc này, sức nóng của đôi Air Jordan 1 đã bắt đầu thuyên giảm. Doanh thu giảm dần. Cá nhân Michael Jordan bị chấn thương trong mùa giải 1985-86 nên cũng vắng mặt trên sân bóng. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến hình tượng của dòng Air Jordan. Chưa kể là hàng loạt thương hiệu khác cũng tung ra những mẫu na ná cùng tông màu đen–trắng–đỏ ăn theo.
Trước tình cảnh này, Nike hiểu rằng có lẽ họ không thể tạo được một đôi giày có sức hút khủng như mẫu đầu tiên. Vì vậy, thương hiệu chọn hướng đi cao cấp hơn. Mẫu Air Jordan 2 là một đôi giày thể thao cực xa xỉ. Nó được gia công ở Ý, với da thuộc Ý có kết cấu bề mặt nhám rất sang. Gót giày có chữ Nike. Nhưng logo Swoosh đã biến mất.
3: Nike Air Jordan 3, lần đầu tiên Nike giới thiệu logo hình người chơi bóng rổ
Ở thời điểm hiện đại, nếu có ai hỏi làm sao nhận diện đôi giày Air Jordan, thì người cuồng giày thể thao sẽ đáp rằng: Nhờ biểu tượng hình người chơi bóng rổ (Jumpman).
Biểu tượng này lần đầu tiên xuất hiện trên mẫu Air Jordan 3, được Nike tung ra năm 1988. Giày có họa tiết da voi độc lạ.
4. Nike Air Jordan 6, đôi giày Michael Jordan sử dụng để chiến thắng giải NBA
Tuy Michael Jordan lúc này đã nổi tiếng không chỉ vì giải đấu bóng rổ mà còn vì màn hợp tác triệu đô với Nike, anh vẫn chưa lần nào thắng cúp vô địch của giải thi đấu NBA cả.
Mãi đến năm 1991, Michael Jordan và đội The Bulls mới vô địch giải NBA. Anh thắng giải khi đang mang mẫu giày Air Jordan 6 mới toanh.
Đôi giày này có thiết kế da thuộc được cách điệu tạo thành số 2 và 3 – con số trên áo đồng phục của Michael Jordan. Hình dáng lấy cảm hứng từ một mẫu xe hơi thể thao của Đức, một bộ môn thể thao yêu thích khác của tuyển thủ. Quanh cổ chân ít đệm hơn, vì vậy tạo nên một đôi giày nhẹ mà mềm dẻo hơn so với các mẫu trước.
Sau đó, mẫu giày này bước chân vào thế giới của anime và manga, khi tác giả bộ truyện Slam Dunk nổi tiếng, ông Takehiko Inoue, lựa chọn nó làm đôi giày biểu tượng của nhân vật nam chính Hanamichi Sakuragi. Virgil Abloh thì tuyên bố, đây là mẫu Air Jordan yêu thích nhất của mình.